Hướng dẫn sử dụng Aspire 8.5: Phần 3: Tạo thư viện dao
2017-09-19 06:32
Tạo thư viện dao
Để tạo thư viện dao cho riêng mình việc đầu tiên cần làm là mở Tool Database. Có 2 cách để mở:
1- Trên thanh công cụ nhấp chuột vào Toolpaths --> Tool Database.
2- Vào thanh Toolpaths --> Display Tool Database.
Giao diện Tool Database như sau.
Các bạn cài mới sẽ có rất nhiều dao, tuy nhiên chúng ta cần tạo thư viện dao riêng cho mình nên việc cần làm là xóa hết các loại dao cho sẵn và tạo lại dao mới cho mình. Các bạn nhấp chuột vào nhóm dao và bấm delete trên bảng Tool Database đến khi còn nhóm cuối cùng thì thôi.
Khi xóa xong, chúng ta cần tạo nhóm dao. Tùy thuộc nhu cầu sử dụng mà tạo 1 hoặc nhiều nhóm dao để tiện sử dụng. Ví dụ như gia công trên gỗ 1 nhóm, trên mica 1 nhóm riêng, vân vân và mây mây....
Sửa lại tên nhóm. Chúng ta nhấp chuột vào nhóm để chọn nhóm.
Bên Tool info gồm có:
Name: tên nhóm
Notes: ghi chú về loại dao đó
Mình sẽ tạo nhóm dao phay gỗ trước. Khi tạo xong nhấp vào Apply.
Tiếp đến ta tạo dao trong nhóm, nhấp chuột vào New...
Lúc này chưa xuất hiện bất cứ thông số dao nào cả, chúng ta cần chọn loại dao ở phần Tool Type thì mới hiện các thông số của từng loại.
Với nhu cầu của mình thì mình chỉ dùng 2 loại dao là End Mill và Engraving là đủ. Nếu bạn nào cần cắt laser hoặc plasma, cũng hỗ trợ đấy.
Mình sẽ tạo loại dao End Mill.
Chúng ta chọn Tool Type là End Mill và cài thông số dao.
Tool Info gồm 4 phần:
Phần tên dao, loại dao và ghi chú dao các bạn tùy ý thay đổi. Chú ý viết không dấu.
Phần Geometry:
Ở đây gồm những thông số về cấu trúc dao, End Mill là dao phay thẳng nên chỉ có thông số đường kính dao là D. Những loại khác đều thể hiện bằng hình ảnh và kí hiệu trực quan bên cạch các bạn cứ vậy điền theo.
Mình dùng dao phay 1 ME đường kính dao là 3mm nên sẽ để thông số là 3 ( 3mm ở đây là đường kính phần lưỡi dao không phải đường kính chuôi dao).
Phần Cutting Parameters:
Phần này gồm các thông số về độ ăn dao thẳng và ăn dao ngang.
Về dao End Mill sẽ chỉ có 2 thông số như trên các loại dao khác sẽ có thêm tùy chọn về độ ăn dao ngang, tuy nhiên vẫn cài bằng thông số stepover.
-Pass Depth: Ở đây thể hiện thông số ăn dao tối đa. Như hình mình cài ăn dao tối đa là 0,25mm. Khi muốn phay sâu 1mm thì sẽ phải đi 4 lượt.
Lượt 1: dao đi xuống 0,25mm phay hết lượt quay về điểm bắt đầu phay.
Lượt 2: dao đi xuống 0,5mm phay hết lượt quay về điểm bắt đầu phay.
Cứ thế đến lượt thứ 4 dao sẽ đi xuống đến 1mm
Ăn dao mỏng chạy dao nhanh sẽ giúp gia công chính xác hơn hoàn thành nhanh hơn và tiết kiệm điện năng do spindle tải nhẹ hơn.
-Stepover: Ở đây thể hiện thông số ăn dao ngang. Ăn tối đa bằng 100% đường kính lưỡi dao, tuy nhiên vẫn có thể đưa lên hơn 100% nhưng như vậy sẽ mất tác dụng.
Ăn dao ngang sẽ dùng trong mục đích phay mặt phẳng, khắc tranh...
Mô tả như sau:
Khoảng cách giữa 2 đường dao chạy màu xanh là khoảng các Stepover. Dao sẽ chạy một lượt rồi nhích lên bằng thông số Stepover rồi chạy quay lại và nhích lên tiếp.
Phần Feeds and Speeds:
-Spindle Speed: tốc độ spindle. Trên arduino xuất tín hiệu PWM từ 0-5V tỉ lệ thuận với tham số tốc độ từ S0 - S1000. Chỉnh tốc độ được với Spindle DC hoặc điều khiển biến tần với Spindle 3 phase. Nếu dùng khoan đa năng điều khiển qua relay thì để thông số là 1000 để khi gia công chân D11 sẽ ở mức 5v (mức cao).
-Feed Rate: Tốc độ gia công. Tùy vào vật liệu mà tốc độ gia công khác nhau. Tốc độ gia công phụ thuộc vào tốc độ máy, nếu để thông số gia công lớn hơn tốc độ máy, máy sẽ chỉ chạy với tốc độ của máy cho phép mà thôi. (Chỉnh hệ số tốc độ tùy ý, như mình hay để là mm/p như hình).
-Plunge Rate: Tốc độ ăn dao. Đây là tốc độ khi dao ăn xuống phôi, cũng tùy vào chất liệu mà sẽ có độ ăn dao khác nhau, các bạn cần thử để biết tốc độ nào là hợp lý với máy của mình.
**Bên dưới có phần Tool Number, đây là vị trí dao trong khay thay dao tự động, chỉ đối với các máy có thay dao tự động thì nên dùng, còn không hãy để giá trị là 0. Sau khi cài thông số xong bấm Apply.
Như vậy ta đã cài xong thông số dao, nếu muốn tạo thêm dao tiếp tục bấm New...
HẾT!